Ngôi nhà sàn ấy nằm ẩn mình sau một dãy phố tráng lệ cuối đường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội. Chưa vào nhà, đã có thể hình dung ra tính cách của gia chủ là thế nào: Nếu không lập dị hay dở dở ương ương, thì cũng là một lão văn nghệ sĩ kỳ khu nào đó.

“Đức chó đá”, “Đức nhà sàn”!

Bên bức tường đá ong nham nhở, dựng la liệt nào tượng, nào nghê đá, chó đá, nào cối đá đủ loại. Lại thêm cánh cổng gỗ to tướng, nặng nề như cổng miếu, dán chi chít những tấm ảnh chân dung… những người đầu cạo trọc lóc, mắt đeo kính cận tròn xoe. Người chăm đọc báo, xem ti vi hẳn nhận ra ngay một trong những nhân vật trọc lóc, tròn xoe đó là họa sĩ Thành Chương. Còn Mạnh Đức, chủ nhân của ngôi nhà lạ lùng ấy là em trai của Thành Chương, con trai lão nhà văn nổi tiếng Kim Lân, tác giả Vợ nhặt lừng lẫy một thời.

Ông Đức đeo kính cận cũng tròn xoe, đầu cạo trọc, tròn xoe, nói chuyện hay và chẳng có gì là hâm hâm hay gàn dở. Căn nhà của ông là nhà sàn lợp lá cọ, tường trát đất và cũng được xem là một sự lập dị đối với người thường: Năm 1992, trong một chuyến đi lang thang lên mạn Đà Bắc tỉnh Hòa Bình, ông mua căn nhà một gian hai chái này với giá 4,5 triệu đồng. Thuê xe chở về Hà Nội, dựng lên, trang trí nội ngoại thất, hết cả thảy 20 triệu đồng!

Thế là rộ lên một phong trào dựng nhà sàn, ở nhà sàn trong giới văn nghệ sĩ. Ông Đào An Khánh, một họa sĩ nổi tiếng với những màn trình diễn kỳ quái bên Gia Lâm dựng một cái. Nghe nói cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng tính làm một cái nhưng ông đã qua đời khi ý tưởng chưa thành hiện thực.

Liếc nhìn trong khuôn viên không lấy gì làm rộng, lại thấy ngổn ngang chum, vại, cối đá thì xếp thành dãy dài. Đấy cũng là một thú chơi kỳ lạ của họa sĩ Đức. “Tôi nghiệm ra rằng theo thời gian, những vật dụng của người nghèo hôm nay sẽ biến thành của người giàu trong tương lai. Nhất là những đồ làm bằng tay”. Thế là chum sành được ông Đức khuân về từ khắp mọi miền, nhỏ chỉ như hũ gạo, lớn thì cao đến 1,5 mét!

Tôi ngồi trên chiếc ghế mây của người Thái trong phòng khách của ngôi nhà sàn Mường, vây xung quanh là hàng mấy trăm pho tượng đủ kiểu. “Đây vừa là một thú chơi vừa là nghề kiếm sống”, ông Đức nói và kể: Năm 1997, trong một phi vụ kinh doanh, ông mang vào Sài Gòn gần 500 pho tượng giả cổ, tính mở triển lãm rồi sau đó mở xưởng chế tác, kinh doanh. Tượng vào đến nơi, cái rụng đầu, cái gãy cẳng, đang cho người sửa chữa thì công an ập đến lập biên bản vì tội buôn đồ cổ. Nói rằng đây là hàng mới, không tin cứ chẻ ra mà xem. Công an không nghe, mời thanh tra văn hóa, thanh tra văn hóa nói đúng là đồ mới, họ vẫn không chịu. Ông Đức bấy giờ mới thủng thẳng, nếu các đồng chí không tin, thì chọn bất cứ mẫu tượng nào trong số này, tôi làm cam kết sẽ làm ngay 1.000 cái khác y như thế, nếu không giống, tôi đi tù. Nếu đúng, các bác phải mua. Bấy giờ mấy anh công an phường mới chịu thu quân.

Biếu sếp bằng… chó đá!

Nhưng trong các thú chơi, thì chó đá là món làm cho ông Đức thành danh. Có lẽ lây cái “máu chó đá” của cha là nhà văn Kim Lân, nên cả hai anh em Thành Chương, Mạnh Đức đều “say chó đá”. Nhà cụ Kim Lân ở xóm Hạ Hồi góc đường Quang Trung – Trần Hưng Đạo không rộng nhưng cũng lừng lững mấy con chó đá giữ nhà. “Phủ Thành Chương” của họa sĩ Thành Chương trên Sóc Sơn nổi tiếng một phần cũng vì ở đó có vài trăm con chó đá bày đặt đủ kiểu. Nhưng không mấy người biết được rằng những con chó đá của Thành Chương lại do chính ông em ruột thu mua và cung cấp.

Chó đá tự nhiên
Chó đá tự nhiên

“Tôi thích chó đá từ bé, nên đi đâu cũng sưu tầm. Sau rồi tôi tìm được một số những tay buôn đồ cổ, rồi đến đám chè chai đồng nát. Người ta đi khắp nơi gom về, tôi mua lại. Có lẽ hàng nghìn con chó đá đã qua tay tôi” – ông Đức nói với một nụ cười đầy tự hào. “Ông Chương nhà tôi rành chó đá, hiểu biết chơi đã đành, nhiều người không dính gì đến văn nghệ cũng máu chó đá mới lạ chứ. Có cái cô An Trinh bên Gia Lâm, sang đây “vần” hàng trăm con rồi đến cô Tú Anh, một doanh nhân trong Sài Gòn, mua của tôi gần bốn trăm chó, bày đầy sân nhà ở Phú Nhuận. Ông Lê Thiết Cương, ông Quách Đông Phương, toàn những tay họa sĩ cự phách, cũng đã chơi chó đá từ năm 1995, có tay người Pháp, chủ quán Chim Sáo ở Ngõ Huế cũng đến bê mấy con. Lạ nhất là ông Khánh, tôi không rõ tung tích cho lắm, nhưng mua rất nhiều, có gần 500 con. Không chỉ bày chơi, mà mua để làm gì nữa biết không? Để biếu các sếp. Đẫn này thì tôi chịu, phong bì, rượu ngoại không đưa, lại mang chó đá đi “hối lộ” thì tôi thua rồi!” – ông Đức cười sảng khoái.

Nhìn mặt chó, biết bụng người!

chó phong thủy
chó phong thủy

“Con chó tuy bằng đá nhưng cũng có tính cách như con người ông ạ – họa sĩ Đức nói – Có con vui tươi, có con u sầu, có con ngốc nghếch, có con quỷ quyệt. Con thì oai vệ phương phi, con khệnh khạng ra dáng ông đây, có con còi cọc nhưng nguy hiểm, nhìn thì biết ngay! Trừ những người am hiểu, lạ một cái là trong số khách đại trà, tôi nghiệm ra người thế nào thì thích con chó như thế ấy! Con chó đẹp là con chó có tinh thần. Nó phải vui hoặc buồn, hoặc khôn khéo, gian ngoan. Chán nhất là anh chó to, nhưng mặt mũi, dáng vẻ chẳng có hồn vía gì cả. Vì thế nên giá của con chó đá trước hết tùy thuộc vào việc nó có đẹp hay không, to hay nhỏ chỉ là tiêu chí thứ hai. Cũng là chó đá, nhưng có con tôi bán tới 2,5 triệu đồng, có con chỉ 50 nghìn. Trung bình 3-4 trăm nghìn đồng, con rẻ nhất thì là cho không!”.

“Trong một thời gian dài đi… buôn chó đá, tôi nghiệm ra rằng vùng Bắc Ninh, Hà Tây, Hải Dương người ta hay chơi chó đá. Người đẽo chó có thể là thợ chuyên nghiệp, có khi là người nhà đẽo chó bày chơi. Loại chó này hiếm và quý lắm, ngoài chuyện độc bản, thì cái mặt… chó của nó thường không giống bất cứ cái mặt chó nào!”.

mẫu chó bằng đá
mẫu chó đá đẹp

“Người xưa đẽo chó đá cũng lạ lắm. Con có chân, con có… chim, có con thì chỉ có mỗi cái đầu với đôi tai nhú lên, nhưng mình vẫn nhận ra con này là Ca-pi, thằng nọ là Déc-bi-nô (các nhân vật chó trong tiểu thuyết Không gia đình của nhà văn Ý H.Malo – TN). Cá biệt tôi còn gặp một số con chó được đẽo trong tư thế nằm. Loại này rất hiếm”.

Chó đá dùng để làm gì? Tôi hỏi. Họa sĩ Đức trầm ngâm: “Con chó sống dùng để canh kẻ trộm, giữ nhà. Còn chó đá, theo tôi hiểu, là vật tâm linh, nó như kẻ gác cổng để xua đuổi tà ma, giữ yên cõi âm cho gia chủ. Người ta ít đẽo chó nằm là như thế, vì chó nằm là lúc con chó chơi, vô dụng. Nên mới có cái chuyện ông Khánh tôi kể lúc nãy, trong một lần đến ngõ Xã Đàn (Hà Nội) để nhờ một bà già xem bói. Bà này nghe nói xem hay lắm, ngồi một chỗ mà biết chuyện bốn phương. Nhận lễ của ông Khánh xong, bà lão khấn vái một hồi rồi trả lễ lại, nói rằng: Nhà ông tôi không thể vào được. Không biết trong ấy có âm binh gì mà kinh thế. Ông này bảo, không có âm binh, chỉ bày có bốn trăm con chó đá thôi! Đấy, khiếp không”! Ông Đức chép miệng…

Chuyện về chó đá xem ra cũng kỳ thú. Không biết thế nào, nhưng năm Bính Tuất này tự dưng khi ra ngoài đường tôi lại cứ hay tìm kiếm bóng dáng của những con chó đá để… ngắm nghía và suy ngẫm!

Phóng sự của Lưu Quang Phổ

xem thêm những mẫu chó đá tự nhiên đẹp tại đây https://damyngheminhngoc.com/cho-da

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *